PHÁT BIỂU KHAI MẠC – Lễ hội Đình làng Thạc Gián lần thứ VII năm 2025
Lượt xem:
PHÁT BIỂU KHAI MẠC
LỄ HỘI ĐÌNH LÀNG THẠC GIÁN LẦN THỨ VIII – 2025
– Kính thưa đồng chí Phạm Tấn Xử, Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao thành phố;
– Kính thưa đồng chí Nguyễn Thành Tiến, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Thanh Khê;
– Kính thưa các đồng chí Thường trực Quận uỷ, Ban Thường vụ Quận uỷ;
– Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý, các vị bô lão và toàn thể bà con Nhân dân!
Nhằm bảo tồn, phát huy, lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống của địa phương, hôm nay, quận Thanh Khê long trọng tổ chức Lễ hội Đình làng Thạc Gián lần thứ VIII – năm 2025. Lời đầu tiên, thay mặt UBND quận, Ban Tổ chức lễ hội đình làng Thạc Gián, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, khách quý, cùng toàn thể bà con Nhân dân về tham dự, theo dõi và tham gia lễ hội ngày hôm nay. Kính chúc toàn thể quý vị và gia đình một năm nhiều sức khỏe.
Kính thưa quý vị!
Đà Nẵng – vùng đất “Trước sông, sau núi, biển kề một bên” được hình thành và phát triển trên nền văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Champa rực rỡ, kết hợp với nét văn hóa độc đáo của tộc người Cơtu, tạo nên bản sắc riêng của văn hóa Đà Nẵng, đa dạng trong thống nhất. Xuất phát từ nét đặc trưng của văn hóa làng xã Việt Nam, làng Thạc Gián đã được lập nên vào khoảng nửa thế kỷ XV, sau khi thực hiện công cuộc khai khẩn, khai canh, khai cư, mở rộng về phương Nam.
Theo nhiều tài liệu ghi chép, địa danh làng vốn ban đầu có tên là Thạc Giản, do các bậc tiền nhân xác định thế và phong thổ vùng đất:
Thạc địa phong quang/ vân ảnh Đà Sơn/ triêu hiển ứng
Giản bàn thuỷ tụ/ lộ triêm quảng trạch/ chấn uy linh
(Tức: Ánh dương chiếu rọi/ mây vờn Đà Sơn/ đất Thạc thêm quang đãng
Quê Giản bao la/ nước biếc đất thấm nhuần/ rộng mở thật uy linh)
Có nghĩa: Đây là vùng đất rộng, bền vững, có nhiều khe lạch, đầm nước, ao hồ, cảnh quang thoáng đảng, rất thích nghi với nền nông nghiệp lúa nước.
Trong quá khứ, Thạc Gián là một làng rộng. Cho đến đầu thế kỷ XIX, địa giới làng: Đông giáp làng Hải Châu và thẳng đến Vũng Rong; Tây giáp làng Xuân Đán, vịnh Đà Nẵng và Nam giáp các làng Bình Thuận, Liên Trì (nay thuộc phường Hòa Thuận Đông, Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu).
Khi cuộc sống bước đầu ổn định, các bậc tiền nhân làng Thạc Gián lúc ấy đã theo phong tục, tập quán của người Việt: kêu gọi cư dân xây dựng đình làng miếu vũ – nhằm đưa hồn thiêng quê cũ tại đất Bắc vào vùng quê hương mới, thực hiện tín ngưỡng thờ phụng các bậc thần minh đã có từ xưa, các bậc anh hùng dân tộc, các bậc tiền hiền, hậu hiền…
Thuở ban sơ, Ngôi đình được xây dựng bằng tranh tre. Vào đời vua Minh Mạng, Đình làng được làm lại bằng gỗ, mái lợp tranh. Đến năm Tự Đức thứ bảy (1854), Ngôi đình được kiến tạo lại bằng gạch, mái lợp ngói âm dương. Năm Duy Tân thứ ba (1909) và năm Khải Định nguyên niên (1916), ngôi đình tiếp tục được trùng tu, tôn tạo; tất cả đều dựa trên công sức đóng góp của Nhân dân trong làng. Ngôi đình làng Thạc Gián đã tồn tại đến ngày nay, trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa vẫn giữ được nét nguyên bản.
Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử, đình Thạc Gián là một trong số ít những đình ở Đà Nẵng còn lưu giữ được những hiện vật hết sức có giá trị. Từ đời vua Minh Mạng cho đến vua Bảo Đại, đã ban cho Làng 18 sắc phong. Các triều Hậu Lê, Chúa Nguyễn, triều Nguyễn đã ban 29 chiếu chỉ; phong quan tước cho cư dân trong Làng đã cố công đèn sách, dự thi đỗ đạt, có thực tài. Tất cả các sắc phong và chiếu chỉ đều được các thế hệ trong Làng bảo quản cẩn thận, nay vẫn còn nguyên vẹn, dấu ấn son vẫn đỏ tươi, nét chữ mực đen vẫn rõ ràng. Trong nhiều năm qua đã giúp cho các nhà nghiên cứu và sinh viên được tham khảo tường tận. Trong kỳ Lễ Hội này, Ban Tổ chức đã chụp và in đúng màu sắc, kích cỡ trưng bày để quý đại biểu và bà con được am tường.
Kính thưa quý vị!
Cũng như bao ngôi đình trên đất nước Việt Nam, Đình làng Thạc Gián là biểu tượng, là yếu tố hữu hình của văn hoá cộng đồng làng xã Việt Nam, trở thành tài sản chung – niềm tự hào của Làng, của người dân Thanh Khê. Chính tại đây, trong quá khứ là nơi tổ chức và duy trì nhiều lễ hội truyền thống, các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian của dân làng (như lễ tế Thu nhị kỳ, lễ hội vào tiết Thanh minh, lễ giỗ tiền hiền, lễ hội tết Nguyên đán, hội thi đọc khánh chúc, diễn tuồng…). Vào những năm Phong điều vũ thuận, được mùa, cư dân có nhiều thành tích thì các kỳ Lễ hội được tổ chức càng lớn. Ngày nay, Đình làng là biểu tượng nhắc nhở cho các thế hệ con cháu về đạo lý ở đời, hướng về cội nguồn dân tộc. Đó là sự thể hiện bản sắc văn hóa mang đậm tính nhân văn của người xưa lưu lại cho chúng ta và con cháu mai sau. Đình Thạc Gián đã được Bộ Văn hóa – Thể thao, nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận “DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT CẤP QUỐC GIA” vào ngày 27/8/2007.
Kính thưa quý vị! Kính thưa bà con!
Sau lần trùng tu vào năm 2009, ngày 17/4/2011 (nhằm ngày 10/3 Tân Mão), lần đầu tiên Lễ hội Đình làng Thạc Gián được phục dựng và tổ chức trọng thể. Từ đây, lễ hội được tổ chức định kỳ 02 năm/ 1 lần; là dịp để con, cháu trong làng tề tựu, họp mặt, hàn huyên; là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các dòng tộc. Trải qua 07 lần tổ chức, lễ hội “Đình làng Thạc Gián” trở thành hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của bà con dân làng, là sinh hoạt văn hoá, tinh thần không thể thiếu cùng với sự phát triển của quận nhà. Năm 2024, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, Sở Văn hoá và Thể thao thành phố, Bảo tàng Đà Nẵng, Đình làng Thạc Gián đã trùng tu, tôn tạo di tích Đình làng Thạc Gián và Mộ Tiền hiền với tổng kinh phí 5,8 tỷ và khánh thành đưa vào sử dụng 16/01/2025.
Hòa chung niềm vui này, Lễ hội Đình làng Thạc Gián lần thứ VIII năm nay được tổ chức trong 02 ngày (14 và 15/3/2025), gồm các nghi thức lễ truyền thống tôn nghiêm, thuần Việt cầu cho quốc thái dân an, cầu cho thế giới hoà bình (như: lễ cáo trời đất, lễ vọng, lễ tế âm linh, tế xuân, tế tiền hiền…) và nhiều hoạt động hội mang đặc trưng của văn hóa dân gian xưa (như: chương trình giao lưu đêm thơ; thi cờ làng, thi viết thư pháp…).
Với những hoạt động phong phú, đặc trưng, Lễ hội đình làng Thạc Gián là dịp để người dân Thanh Khê được trở về, được tiếp cận với cội nguồn lịch sử; góp tiếng nói tích cực trong việc giáo dục lòng tri ân, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đối với những người đã có công khai canh, khai cư xây dựng nên làng Thạc Gián và mảnh đất Thanh Khê. Đồng thời, lễ hội cũng thể hiện được đời sống văn hoá, văn minh trong xã hội hiện đại. Nhắc nhở mỗi người dân của làng luôn tự hào về một quá khứ hiển linh, qua đó, góp phần đề cao giá trị cố kết cộng đồng, phát huy tinh thần đoàn kết nhằm góp phần giữ gìn các giá trị truyền thống của địa phương.
Chương trình khai mạc Lễ hội Đình làng Thạc Gián, quận Thanh Khê – lần thứ VIII diễn ra hôm nay, với sự tham dự đông đủ của các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Sở Văn hoá và Thể thao thành phố; lãnh đạo Quận ủy – UBND – UBMTTQVN, các ban, ngành, đoàn thể quận, phường; các đồng chí đại biểu, khách quý, các vị bô lão đại diện các chư phái tộc trên địa bàn quận Thanh Khê và làng Thạc Gián, cùng đông đảo bà con Nhân dân; đây là một niềm vui, niềm tự hào, phấn khởi. Tôi tin tưởng rằng, Lễ hội sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần, đời sống tâm linh của bà con Nhân dân; góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa của quận, trở thành một sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa địa phương trong thời gian đến.
Với ý nghĩa đó, tôi tuyên bố Khai mạc Lễ hội đình làng Thạc Gián quận Thanh Khê lần thứ VIII, năm 2025. Một lần nữa, kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, các vị bô lão và bà con mạnh khoẻ, chúc Lễ hội thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!